Khám phá loại gia vị cơ bản của Ẩm Thực Việt

Gia vị không phải là nguyên liệu chính làm nên món ăn nhưng lại là yếu tố quan trọng tạo nên mùi vị và hương sắc cho món ăn. Gia vị mà người Việt sử dụng vô cùng đa dạng và phong phú. Gia vị không những giúp kích thích cảm giác thèm ăn, ăn ngon miệng mà nó còn có tác dụng rất tốt với hệ tiêu hóa của chúng ta. Nhờ có gia vị mà hệ tiêu hóa được kích thích và làm việc hiệu quả hơn. Những món ăn Việt Nam mang hương vị độc đáo và đặc biệt chính bởi sự tinh tế và cầu kỳ trong cách sử dụng các loại gia vị. Có thể nói gia vị đã làm nên linh hồn cho mỗi món ăn.

Có rất nhiều gia vị với công dụng khác nhau được sử dụng trong chế biến hiện nay như: nước mắm, muối ăn, bột canh…là gia vị tạo vị mặn, ớt, hạt tiêu, mù tạt…được dùng để tạo vị cay, một số loại rau có mùi thơm như rau húng, rau mùi, rau răm, hành, tỏi,…đều có chứa tinh dầu mang hương vị đặc trưng thường được dùng để ăn kèm hoặc cho thêm vào các món ăn trong quá trình chế biến.

Phân loại một số gia vị cơ bản:

Gia vị thực phẩm được chia thành bốn nhóm chính bao gồm gia vị có nguồn gốc thực vật, gia vị có nguồn gốc động vật, gia vị được lên men vi sinh và gia vị có nguồn gốc hữu cơ.

Những gia vị có nguồn gốc thực vật rất phổ biến và đa dạng

  • Các loại lá được dùng làm gia vị như lá hành, lá hẹ,rau răm, húng quế, húng chó, ngò gai, tía tô, thì là, lá chanh, lá ổi, lá đinh lăng, xương sông, cần tây, tỏi tây, lá lốt, lá mơ, kinh giới, lá dứa…
  • Các loại quả dùng làm gia vị như quả mắc mật, dứa, chanh, khế, me, quả sấu, quả dọc, quả tai chua…
  • Các loại hạt gồm có hạt tiêu, hạt dổi, hạt ngò…
  • Các loại củ như củ nghệ, củ hành, củ tỏi, củ gừng, củ sả, củ riềng…
  • Một số loại thực vật khác được sử dụng làm gia vị như quế chi, hoa hồi, đinh hương, nấm các loại, nước cốt dừa, hạt sen…
  • Và cả một số gia vị được tinh chế bằng cách pha trộn các loại thực phẩm khác nhau như tương bần, tương ớt, tương đen, bơ thực vật, dầu thực vật, mù tạt, chao, và nhiều loại nước sốt như húng lìu, bột cà ri, mayonnaise, kem…
  • Một số loại thảo dược, thuốc dùng trong đông y cũng có thể sử dụng làm gia vị thực phẩm rất tốt cho sức khỏe như nhân sâm, sa nhân, kỷ tử, cam thảo…

Gia vị có nguồn gốc động vật:

  • Trước tiên phải kể đến các loại mắm như mắm tôm, mắm tép, mắm cua, mắm cáy, mắm rươi, mắm ba khía…những gia vị này còn được xem là đặc sản của từng vùng miền.
  • Nước mắm cùng vậy, rất đa dạng và được làm từ nhiều loại cá biển khác nhau, giàu đạm và thơm ngon như mắm làm bằng cá thu, cá ngừ, cá ngát, cá đối…
  • Gia vị là các loại tinh dầu được chiết xuất từ con cà cuống, mỡ lợn, bơ động vật, sữa tươi nguyên chất, dầu hào và cả túi mật của nhiều động vật…
  • Nhiều gia vị tạo chất ngọt được lấy từ thịt động vật như tôm bóc vỏ, sá sung…
  • Mật ong cũng được coi là một trong những gia vị trong ẩm thực.

Gia vị được lên men vi sinh: như mẻ chua, dấm ăn, bỗng rượu, các loại rượu…

Gia vị có nguồn gốc vô cơ: muối ăn, đường tinh luyện, bột ngọt, nước hàng…

Bài viết liên quan